Rất nhiều món ăn dân dã ngon và bổ dưỡng được lưu truyền từ xưa đến nay. Chúng được xem như một nét ẩm thực riêng trong bữa cơm gia đình Việt, trong đó có món canh cua rau đay. Trước đây, món nay gắn liền với người dân miền Bắc, qua thời gian, miền Trung và miền Nam cũng khá ưa chuộng. Nếu mẹ còn bỡ ngỡ chưa nắm rõ cách nấu canh cua rau đay chuẩn vị, đừng bỏ qua những chia sẻ từ Cửa hàng Thực phẩm sạch VitaMart dưới đây nhé!
Các lợi ích nhận được từ việc ăn rau đay
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, rau đay được khuyên nên thêm vào bữa cơm gia đình hàng ngày. Theo đó, việc ăn rau đay thường xuyên mang đến các thành viên trong gia đình nhiều lợi ích như:
– Bổ sung sắt, ngăn ngừa thiếu máu: Rau đay luôn đứng đầu trong danh sách các loại thực phẩm xanh giàu sắt. Trong 100 gr rau đay có chứa tới khoảng 7 mg sắt. Do vậy, người bị thiếu máu được khuyên nên tăng cường ăn rau đay nhằm tăng cường số lượng hồng cầu, sản sinh máu trong cơ thể.
– Nhuận tràng, chống táo bón: Chất nhờn trong rau đay chính là bài thuốc trị táo bón thần kỳ. Nó giúp bôi trơn đường ruột, kích thích nhu động ruột co bóp đều đặn hơn, thúc đẩy thức ăn xuống đại tràng, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra đều đặn.
– Lợi sữa: Rau đay cũng rất tốt đối với phụ nữ sau sinh bởi chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp kích thích tuyến vú ra sữa nhiều hơn.
– Thông tiểu, ngăn ngừa viêm nhiễm đường tiết niệu, giải quyết hiệu quả các vấn đề như tiểu rắt, bí tiểu, đau buốt khi đi tiểu. Ngoài ra, rau đay còn giúp bạn giải quyết hiện tượng sưng viêm ở thận, bàng quang, ống dẫn nước tiểu
– Giải nhiệt, tiêu độc: Rau đay có tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị nóng. Trong những ngày mùa hè nóng nực, mẹ nội trợ nên nấu canh rau đay cho cả nhà ăn để giải nhiệt cơ thể.
– Nâng cao sức khỏe tim mạch: Trong loại rau này còn chứa một hoạt chất có tính trợ tim cao. Nó giúp ổn định nhịp tim, tăng cường sức khỏe cơ tim.
– Chống hen suyễn: Hạt chứa trong rau đay có khả năng tiêu đàm, giảm co thắt đường thở, chống phù thũng, chặn cơn hen suyễn. Bệnh nhân hen suyễn có thể sử dụng hạt rau đay thường xuyên để đề phòng bệnh tái phát.
– Công dụng kháng viêm: Chất nhờn trong rau đay cũng giúp cơ thể chống lại các loại viêm nhiễm trong cơ thể bởi trong này chứa nhiều axit hữu cơ.
Cách nấu canh cua rau đay thơm ngọt thanh mát
Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món canh cay rau đay: 1 mớ rau đay 300 – 500gr, 1 mớ rau mồng tơi 300 – 500gr, 1 kg cua đồng, 1 quả mướp, hành khô, ớt, tỏi, muối, mì chính, 1 muỗng nhỏ mắm tôm, hành lá, rau thơm… và các dụng cụ nấu bếp.
Sơ chế các nguyên liệu
– Cua đồng rửa sạch để loại bỏ những bùn đất bên ngoài nhiều lần. Ngâm cua trong chậu nước gạo để cua nhả hết bùn đất bẩn. Vớt cua ra rổ để ráo nước rồi xối cua thật mạnh dưới vòi nước để loại bỏ phần bùn đất còn lại.
Loại bỏ phần yếm cua và nhẹ nhàng tách phần mai cua và phần thân cua, để riêng mai gạch và thịt cua. Rửa sạch lại phần thịt cua một lần nữa, để ráo rồi cho vào cối giã nhuyễn. Phần mai gạch tách lấy hết gạch cho vào chén, bỏ đi phần mai.
Giã nhuyễn thịt cua cùng nửa muỗng muối ăn. Cách này giúp thịt cua giã được bông, riêu cua nổi nhanh lúc nấu. Giã đến khi thịt cua mịn nhuyễn, tan đều là được.
– Rau đay và rau mồng tơi nhặt sạch, ngâm vào thau nước pha loãng khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo nước. Vớt rau ra rổ để ráo nước rồi thái nhỏ vừa ăn.
– Mướp hương cạo sạch vỏ, rửa sạch để ráo nước rồi thái thành từng miếng vát chéo. Cho mướp ra rổ để ráo nước.
– Hành, tỏi bóc vỏ, rửa sạch rồi đập đập, băm nhuyễn. Ớt bỏ cuống, rửa sạch, thái nhỏ. Hành lá và các loại rau thơm nhặt rửa sạch rồi thái nhỏ.
Nấu canh cua rau đay
Bước 1: Phần thịt cua đã giã nhuyễn, bạn dùng rây để rây lấy phần nước cua. Cho thêm nước lọc vào phần thịt cua để lọc cho sạch hết phần thịt rồi loại bỏ phần xác cua.
Bước 2: Phần nước thịt cua thu được cho vào nồi, đặt lên bếp đun với lửa nhỏ. Trong quá trình đun cần dùng đũa khuấy liên tục để phần thịt cua không bị sến dưới đáy nồi.
Bước 3: Đun đến khi nước sôi, phần riêu cua bắt đầu nổi lên, bạn trút luôn phần gạch cua thu được trước đó vào nồi rồi khuấy nhẹ.
Bước 4: Khi nồi riêu cua sôi lại thì cho phần rau đay, mướp hường, mồng tơi vào. Nêm nếm các loại gia vị vào nồi canh cho vừa ăn đến khi nước sôi lại khoảng 1 – 2 phút thì tắt bếp.
Bước 5: Múc món canh cua rau đay ra bát, cho hành lá, các loại rau thơm thái nhỏ cùng ít tiêu xay vào. Thưởng thức món canh cùng cơm nóng là ngon nhất.
Mách bạn cách lựa chọn các nguyên liệu ngon
– Cua đồng: Nên chọn những con cua cái, màu vàng tươi. Cua đồng tuy không to nhưng khá béo, nhiều dưỡng chất và khi nấu nước canh rất ngọt.
– Rau đay: Chọn những bó tay có cọng non, mềm, ngọn vừa phải. Cần mua loại rau đay ngọt, tránh chọn trúng rau đay đắng để khỏi làm ảnh hưởng chung đến mùi vị của món canh.
– Mồng tơi: Rau mồng tơi có thể dùng nguyên cả nhánh ngọn hoặc dùng lá đều ngon. Tuy nhiên, lựa chọn rau mồng tơi cũng nên lựa loại non, khi nấu canh sẽ ngon hơn.
– Mướp hương: Mướp hương với vị ngọt tự nhiên sẽ giúp món canh thêm thơm ngọt. Bạn nên lựa chọn quả mướp non, không bị sượng, có hương thơm tự nhiên…