Bột sắn dây với nhiều công dụng trong cuộc sống cùng đa dạng lợi ích mang đến cho sức khỏe chính là nguồn thực phẩm mà bạn và gia đình không nên bỏ qua. Khoa học đã chứng minh rằng, sắn dây có thể giải độc, làm mát gan, lợi tiểu, chữa bệnh cảm sốt, đau đầu, giúp thanh nhiệt. Và đây cũng là thức uống khá ngon miệng nữa đấy nhé!
Trên thực tế, bột sắn dây là thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và quá trình chế biến cũng khá công phu. Nói như vậy không có nghĩa là bạn không thể tự làm bột sắn dây để cùng gia đình thưởng thức. Bạn hoàn toàn có thể sau khi nắm rõ công thức và quy trình chế biến mà VitaMart chia sẻ dưới đây.
Như đã nói ở trên, để làm ra được bột sắn dây là cả một quá trình và người làm phải bỏ ra tâm huyết. Cụ thể, bạn phải chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ và thực hiện cách làm như bên dưới đây:
Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ
Nguyên liệu chính để làm ra bột sắn dây đầu tiên phải chuẩn bị chính là củ sắn dây tươi. Tỉ lệ bột sắn dây thu về sau khi hoàn tất là 1:5, nghĩa là nếu muốn thu về 1kg bột sắn dây bạn phải chuẩn bị 5kg củ sắn dây tươi.
Bạn nên lựa chọn những củ sắn dây vừa phải, không chọn củ quá to sẽ có nhiều sơ và cũng không nên chọn củ quá nhỏ sẽ rất ít bột. Không để củ sắn dây quá lâu để tránh hiện tượng chảy nhựa khiến bột bên trong bị đen.
Bên cạnh nguyên liệu làm bột sắn dây, bạn cần chuẩn bị thêm một số dụng cụ như: máy xay, dao to, dao nhỏ, túi lọc, chậu đựng nhiều loại, thìa… Nếu không có nhiều chậu để sử dụng, bạn có thể dùng xô hoặc nồi để thay thế. Ngoài ra, bột sắn dây khi chế biến sẽ cần khá nhiều nước và cần thực hiện tại khu vực rộng rãi, thoáng mát.
Các bước làm bột sắn dây
Bước 1: Sau khi thu hoặc sắn dây hoặc mua ngoài chợ về, bạn cần cắt sạch 2 đầu (đầu đuôi), loại bỏ những chỗ dập nát, chảy nhựa đi. Sau đó, đem rửa sạch đất, cát bám trên củ và để ráo.
Bước 2: Sau khi rửa sạch, tiến hành cạo vỏ củ sắn dây, bạn có thể dùng thìa cứng hoặc dao nhỏ. Cạo sạch xong ngâm ngay củ sắn dây vào trong chậu ngập nước. Bước này giúp sắn dây không bị chảy nhựa.
Bước 3: Vớt củ sắn dây ngâm trong chậu nước ra và cho vào máy xay để xay nhuyễn. Với củ sắn dây, bạn cần xay đi xay lại nhiều lần thì nó mới thật sự nhuyễn được. Nước sắn dây càng nhuyễn càng tránh lãng phí khi lọc.
Bước 4: Khi xay nhuyễn củ sắn dây xong, bạn cho chúng vào nước rồi dùng túi lọc chuyên dụng để lọc sạch. Cần thực hiện lọc từ từ, tránh làm túi bị rách. Lọc xong, hãy bỏ phần sơ sắn dây còn lại vào chậu nước, ngâm đến khi chúng tơi ra thì tiến hành lọc tiếp. Thực hiện lặp đi lặp lại việc này nhiều lần để tránh lãng phí bột sắn dây nhé.

Bước 5: Đến đây, bạn sẽ thu được những bột sắn dây dưới dạng thô. Bạn cần ngâm chúng trong chậu lớn nhiều nước để phần bột lắng xuống phía dưới. Sau khi bột lắng, gạt bỏ phần nước phía trên đi (gạt nước từ từ để tránh làm phần bột bên dưới chảy ra ngoài).

Bước 6: Tiếp tục làm tơi phần bột bên dưới rồi để chúng lắng xuống và gạt nước bên trên ra ngoài. Bước này thực hiện lặp lại nhiều lần và có thể kéo dài đến nhiều ngày. Chú ý: Ngâm bột càng lâu và lọc càng kỹ thì bột sắn dây thu lại sẽ càng trắng.
Bước 7: Phần bột sắn dây thu được sau cùng, bạn tiến hành phơi chúng. Cần dùng thìa cứng múc sắn dây từng mảng cô đặc trong chậu ra và đặt lên dụng cụ phơi.
Chú ý: Khi phơi sắn dây, bạn cần lớp bên trên dụng cụ phơi 1 lớp vải mỏng để bột sau khi khô không bị vỡ vụn ra. Không nên phơi bột sắn dây ướt gần nhau để tránh làm chúng dính vào nhau.
Lưu ý khi làm bột sắn dây
Các dụng cụ để chế biến bột sắn dây phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi chế biến, để loại bỏ hết các vi khuẩn.
Ướp hoa bưởi giúp bột sắn dây thơm ngon hơn nhưng sẽ làm giảm tác dụng của bột sắn khi khi sử dụng.

Lưu ý thời gian làm khô và cách bảo quản, để giữ được bột săn ngon trong thời gian dài. Thường xuyên kiểm tra bột, để bảo đảm bột không bị nấm mốc.
Thông thường, bột sắn dây cần phơi khoảng 2 – 3 nắng là khô. Nếu bạn không có dàn phơi chuyên dụng cũng có thể tận dụng các dụng cụ dùng để phơi to trong gia đình như sàn, dần, nia hoặc mâm… Chị em cũng có thể dùng máy sấy hoa quả ở nhiệt độ 60 độ C (trong khoảng 4 – 6 tiếng) để sấy khô sắn dây nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Bảo quản bột sắn dây
Khi bạn có bột sắn dây, cách bảo quản tốt nhất là dùng túi nilon hoặc hộp nhựa để được bảo quản lâu dài. Bột sắn dây có thể bảo quản được hơn 1 năm nếu bạn để nói khô thoáng, không ẩm mốc. Bạn có thể để bột sắn dây trong ngăn mát tủ lạnh. Nên nhớ trong quá trình bảo quản thì bạn thường xuyên kiểm tra ẩm mốc nhé.
Các món ăn từ bột sắn dây
Làm bánh bột sắn dây
Nguyên liệu cần chuẩn bị: bột sắn dây, bột gạo, bột năng, nước cốt dừa, đường trắng, nước lá dừa, nước ép trái dâu hoặc nước ép lá dứa…
Bước 1: Cho đường và hỗn hợp nước cốt dừa vào nồi rồi đun lên sao cho chúng vừa tan ra và hòa vào nhau.
Bước 2: Trộn đều bột sắn dây, bột năng, bột gạo vào cùng 1 chiếc chậu, sau đó chia ra làm 2.
Bước 3: Cho hỗn hợp nước cốt dừa đường vào đều 2 phần bột, đánh đều tay cho chúng tan ra.
Bước 4: Thêm một tí xíu muối vào 2 chậu bột để tăng thêm vị đậm đà cho bánh, giúp cả nhà ngon miệng hơn.
Bước 5: Đặt khuôn bánh vào nồi cách thủy, đợi cho khuôn nóng khoảng 2 – 3 phút rồi cho lớp bột đầu tiên lên.
Bước 6: Đợi khoảng 5 phút để lớp bột đầu tiên chín thì đổ tiếp lớp bột tiếp theo. Thực hiện bước này nhiều lần đến khi hết phần bột và những chiếc bánh xinh xinh ra lò.
Lưu ý: Khi bánh chính xong, bạn cần đợi cho bánh nguội đã lấy bánh ra khỏi lò để tránh làm bỏng tay nhé!
Súp cá bột sắn dây
Tưởng chừng như rất khó nhưng lại vô cùng dễ. Thường thì bột sắn dây cũng có thể chế biến cùng cua, gà để thành những món súp thơm ngon siêu bổ dưỡng, tuy nhiên các nguyên liệu này chế biến khá mất thời gian. Do vậy, món súp cá với bột sắn dây chính là gợi ý vừa đơn giản vừa nhanh lẹ cho chị em.
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Bột sắn dây, cá khúc, ngô (bắp) ngọt, nấm hương, trứng gà, xương heo, các loại gia vị, rau thơm…
Sơ chế nguyên liệu: Luộc chín cá rồi lọc bỏ hết phần xương cá và phần da, chỉ dùng phần thịt. Sau đó ướp cá với gia vị trong 15 phút. Với nấm, bạn cần ngâm mềm rồi rửa sạch, vắt khô và thái thành những sợi mỏng. Pha sắn dây với nước lọc để tạo độ sánh, đập trứng vào bát và đánh đều tay để trứng tơi ra.
Bước 1: Cho ngô ngọt vào nồi luộc chín, sau đó cho cá ướp sẵn vào nồi.
Bước 2: Khi hỗn hợp trên vừa sôi thì đổ trứng từ từ vào nồi. Cho bột sắn dây từ từ vào nồi, vừa cho vào vừa khuấy liên tục để chúng không bị vón cục.
Bước 3: Cho thêm nấm và gia vị vào nêm nếm lại cho vừa miệng. Tắt bếp, múc ra bát và cho các loại rau thơm đã chuẩn bị sẵn lên phía trên.
Lưu ý: Tùy thuộc vào khẩu vị mỗi thành viên trong gia đình, bạn cho thể rắc thêm hạt bột cho bát súp thêm đậm đà hương vị.
Ngô hạt + bột sắn dây chiên giòn
Có thể bạn chưa biết, bột sắn dây là loại nguyên liệu tạo độ giòn cho món ăn vô cùng tốt. Đó cũng chính là lý do chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn món ăn lạ miệng và vô cùng thú vị này.
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Ngô (bắp ngọt), trứng gà, bột sắn dây sau khi ray mịn, dầu ăn và các loại gia vị…
Bước 1: Bạn cho bột sắn dây và toàn bộ phần trong của quả trứng gà với ngô đã tách hạt vào chậu rồi khuấy đều lên.
Bước 2: Có thể nhồi nặn hỗn hợp vừa khuấy đều thành từng miếng có độ dày vừa phải. Thực hiện biến hình dạng cho hỗn hợp đến khi hết. ‘
Bước 3: Bật lửa bắc chảo lên bếp và cho thật nhiều dầu ăn vào, sau khi dầu sôi thì thả những miếng ngô bột sắn dây vừa tạo hình vào cho đến khi thấy chúng giòn vàng thì rớt ra.
Bước 4: Bạn cần đặt chúng lên rế gạt dầu và để nguội 1 tí rồi thưởng thức cùng tương ớt sẽ thấy siêu ngon.
Chè sắn dây bí đỏ cốt dừa
Chè sắn dây bí đỏ cốt dừa chính là món ăn hấp dẫn của mùa hè nóng bức bởi chúng là các loại nguyên liệu có tính giải nhiệt khá cao. Bạn chỉ cần chuẩn bị một số nguyên liệu đơn giản như: bí đỏ đường, nước cốt dừa, bột sắn dây…
Bước 1: Gọt sạch vỏ bí đỏ cùng với phần xơ rồi thái ra thành từng miếng nhỏ, đem rửa sạch để ráo nước.
Bước 2: Cho bí đỏ vào nồi luộc chín. Sau đó, cho bí đỏ chín vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, tiếp tục cho chúng vào nồi đun sôi.
Bước 3: Hòa bột sắn dây vào nước rồi từ từ đổ chúng vào nồi bí đỏ đang sôi. Khuấy đều tay để các nguyên liệu này sánh lại với nhau. Tiếp tục đổ nước cốt dừa vào, khuấy đều cho chúng hòa quyện.
Bước 4: Tiếp tục đun cho đến khi chúng sôi trở lại thì tắt bếp. Thế là bạn đã có ngay món chè thơm ngon giải nhiệt trong hè này rồi đấy.
Nấu chè bột sắn dây với hạt sen
Chè hạt sen là món ăn vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, nhất là các gia đình Trung Bộ. Không chỉ mang lại giá trị dinh dưỡng dồi dào, chè hạt sen còn giúp cả nhà bạn thích thú, tươi mát hơn trong những ngày tiết trời oi bức này đấy.
Nguyên liệu cần chuẩn bị: Bột sắn dây, hạt sen khô, đường cát, cốm…
Bước 1: Rửa sạch hạt sen khô rồi bắc lên bếp đun sôi với lửa nhỏ.
Bước 2: Đổ cốm khô ra bát, cho ít nước vào ngâm giúp hạt cốm dẻo hơn. Đổ bột sắn dây vào chén nước để bột hòa tan.
Bước 3: Sau khi hạt sen nấu sôi và nở ra, bạn cho thêm đường vào và đun cùng với lửa nhỏ (khoảng 5 – 10 phút) để đường ngấm dần vào sen.
Bước 4: Đổ chén bột sắn dây đã hòa tan vào nồi sen đã chín, vừa đổ vừa khuấy đều tay để chúng không bị sánh.
Lưu ý: Tùy thuộc vào sở thích cũng như khẩu vị mỗi người, bạn có thể cho ít hoặc nhiều đường vào nồi. Tương tự, lượng sắn dây ít hoặc nhiều sẽ giúp món chè lỏng hoặc đặc hơn tùy vào ý của người nấu.
Bước 5: Tắt bếp nhưng vẫn khuấy đều tay để bột sắn không bị dính vào nhau. Rắc cốm vào (có thể chừa lại 1 ít để rắc lên trên cho bát chè thêm đẹp mắt) là bạn đã hoàn thành món chè hạt sen bột sắn dây ngon bổ mát.
Với món chè tươi mát cho mùa hè này, bạn có thể ăn kèm với đá lạnh hoặc bạn cũng có thể thưởng thức chúng khi còn nóng vào những ngày trời đông lạnh giá, rất ngon và ấm áp đấy nhé!
Mong rằng, cách làm bột sắn dây siêu đơn giản cùng các món ăn chế biến cực dễ với loại nguyên liệu giàu dinh dưỡng này sẽ giúp bạn và gia đình có những bữa ăn tuyệt vời!
Đọc thêm: Cách làm khoai lang kén tại nhà đơn giản, thơm ngon